Ngày đăng: 17/07/2018
Ngành GTVT Thái Lan hiện đóng góp trực tiếp 7% vào tổng GDP của quốc gia này, trong đó giao thông đường bộ chiếm phần lớn tỷ trọng (ước tính lên tới 95% tổng số hàng hóa vận chuyển và 98% hành khách). Hệ thống vận tải mặt đất đạt tới 20.200km, lớn hơn rất nhiều so với 4.034km đường sắt, 2.614km đường vận tải hàng hải và 1.750km đường thủy. Chính vì vậy, hệ thống đường bộ được Bộ GTVT Thái Lan đặc biệt quan tâm nâng cấp, bảo trì với 98% tổng diện tích đường, bao gồm cả các tuyến đường dân cư hẻo lánh đã được lát cứng.
Vận tải hành khách ở Thái Lan phụ thuộc chủ yếu vào các phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe hơi và xe chở khách. Các phương tiện xe công cộng cũng đang được Chính phủ gia tăng với mức từ 8 - 10% mỗi năm nhằm hạn chế lượng xe cá nhân. Tại Thủ đô Bangkok, mật độ phương tiện giao thông đang gia tăng một cách chóng mặt, hiện đã đạt tới mức 338 xe hơi/1.000 người và 220 xe máy/1.000 người. Tại các vùng ngoại ô, người dân có xu hướng di chuyển bằng xe máy cá nhân với mật độ nhỏ ở mức 159 xe máy/1.000 người. Theo các dữ liệu từ Bộ GTVT Thái Lan, mật độ xe hơi đang có dấu hiệu gia tăng nhằm thay thế xe máy.
Hệ thống đường sắt tại Thái Lan được quản lý bởi đơn vị Đường sắt quốc gia Thái Lan (The State Railway of Thailand - SRT). Tổng chiều dài tuyến đường sắt tại Thái Lan đã đạt tới 4.130km. Các tuyến đường sắt tại Thái Lan chủ yếu bắt đầu từ Thủ đô Bangkok dẫn tới các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc, phía Đông và Đông Nam, hoạt động tại 42 trên tổng số 76 tỉnh tại quốc gia này, chủ yếu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa công nghiệp như xăng dầu, nguyên liệu sản xuất. Theo các số liệu dự báo, hệ thống đường sắt có tiềm năng trở thành trụ cột cho hệ thống giao thông hàng hóa với mức tăng trưởng 7%/năm. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường sắt hiện tại ở Thái Lan đã trở nên quá lỗi thời sau 35 năm hoạt động và hệ thống bảo trì kém hiệu quả.
Nhằm gia tăng khả năng phục vụ của hệ thống đường sắt, Chính phủ Thái Lan hiện đang đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ kế hoạch nâng cấp hệ thống đường sắt. Bước đầu, 6 tỷ USD đã được phê duyệt nhằm tăng cường hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện đường sắt, trong đó bao gồm nâng cấp hệ thống đường sắt và cầu đường sắt, tăng cường hệ thống tín hiệu cảnh báo và gia tăng số lượng các tuyến đường ray kép. Bên cạnh đó, Bộ GTVT Thái Lan cũng đã triển khai kế hoạch xây mới các nhà ga vận chuyển trung tâm.
Về mặt giao thông hàng không Thái Lan, hiện có 6 sân bay quốc tế chính (Bangkok, Chiangmai, Chiangrai, Hat Yai, Phuket) và hơn 100 sân bay phục vụ các chuyến bay nội địa… Lượng hàng hóa thông qua vận tải hàng không khoảng 34 triệu tấn.Km vào năm 2004. 6 sân bay lớn có thể phục vụ 17.800 lượt khách quốc tế và 10.330 hành khách trong nước mỗi giờ. Chỉ riêng năm 2016, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không đã lên tới 109 triệu người.
Hiện tại, sân bay Suvarnabhumi là sân bay quốc tế lớn nhất Đông Nam Á và xếp thứ 18 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất trên thế giới. Công suất hiện tại của sân bay này là 45 triệu khách/năm và có thể nâng cấp lên đến 150 triệu khách/năm, là điểm dừng chân của 53 triệu hành khách và 95 hãng hàng không trong năm 2012.
Hệ thống vận tải đô thị tập trung phần lớn tại vùng đô thị Bangkok (Bangkok Metropolitan Region - BRM). Khu đô thị Bangkok có mật độ dân số lên tới 12 triệu người, chiếm đến 18% tổng dân số quốc gia và chiếm đến một nửa tổng số GPD. Khu vực BMR được coi là trung tâm kinh tế lớn nhất của Thái Lan với mức độ tiêu thụ xăng và dầu diesel chiếm tới một nửa tổng lượng tiêu thụ toàn quốc gia. Tuy nhiên, do mật độ dân số và phương tiện gia tăng đã khiến cho hiệu năng của hệ thống giao thông tại khu vực này trở nên yếu đi, khiến cho thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách kéo dài, gia tăng mức độ lãng phí nhiên liệu sử dụng và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngoài ra, việc nâng cấp cục bộ các tuyến đường trong khu vực đô thị cũng khiến cho hệ thống giao thông đô thị mất cân bằng trầm trọng.
Hệ thống giao thông công cộng tại Thái Lan đóng góp một phần rất quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị tại Thủ đô Bangkok, phục vụ 40% nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường sắt đô thị (MRT) chiếm 4% nhu cầu đi lại. Hệ thống xe bus hiện phục vụ tới 36% nhu cầu đi lại. Hiện tại, Bộ GTVT Thái Lan đang lập kế hoạch mở rộng hệ thống MRT gấp 4 lần so với hiện nay, ước tính gia tăng khả năng phục vụ hành khách từ 4% đến mức 15% nhằm giảm tải cho hệ thống xe bus công cộng. Để nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ nhằm bắt kịp nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và JICA nhằm tìm kiếm nguồn vốn và công nghệ hiện đại để phát triển các tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia và nối liền với các nước trong khu vực.
Theo Tapchigiaothong HÀ VŨ (TỔNG HỢP)