Ngày đăng: 29/06/2024
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Luật Đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về hoạt động vận tải đường bộ đã có nhiều thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, Luật Đường bộ 2024 quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ.
Về phân loại loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Luật quy định gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, so với quy định trước, loại hình kinh doanh vận tải du lịch đã bị lược bỏ, đồng thời bổ sung thêm loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đường bộ 2024 đã quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải; có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và hình thức giao kết hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải tương tự nhau. Khi quy định chung hai loại hình này thành xe hợp đồng, phương tiện vẫn được ưu tiên hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch như quy định hiện hành...
Mặt khác, Luật Đường bộ 2024 đã cho phép xe hợp đồng từ 8 chỗ trở xuống (không kể chỗ của người lái xe) tức xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi được phép gom khách lẻ đi chung một chuyến xe.
Cụ thể, Luật quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) - tức xe từ 9 chỗ trở lên, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Như vậy, xe dưới 9 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng với người thuê vận tải cả chuyến xe, đồng nghĩa với việc được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe.
Luật Đường bộ 2024 cũng quy định rõ hơn về khái niệm của các loại hình kinh doanh vận tải khác.
Trong đó quy định kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.
Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh.
Cụ thể, tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách.
Tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức như: Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền; Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo báo giao thông