Ngày đăng: 28/05/2018
Cách mạng 4.0 “lên ngôi”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đặt vận tải truyền thống vào thế tiến thoái lưỡng nan: Đổi mới hay là chết? Theo nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua thì dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định vốn nhiều “điều tiếng”, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã và đang gặp nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của vận tải công nghệ.
Các loại hình vận chuyển theo công nghệ mới như Uber và Grab theo giới chuyên môn là xe hợp đồng điện tử và loại hình này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0.
Ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, ngành GTVT Việt Nam đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hành khách thời nay sẵn sàng bỏ thêm tiền vé nhưng đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, thoải mái, an toàn, thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bởi thế, các doanh nghiệp vận tải phải luôn cố gắng để đáp ứng tối đa, tạo sự thoải mái, tin tưởng cho khách hàng. Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng và hoàn thiện mình theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ đi kèm.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thực tế lĩnh vực vận tải đã phát sinh nhiều loại hình mới, ngoài xe hợp đồng du lịch, hiện nay còn có thêm Limousine rồi Uber, Grab. Một thời gian dài, chất lượng dịch vụ vận tải truyền thống thấp thì taxi công nghệ, xe Limousine như một “làn gió mới” nên loại hình này được người dân hưởng ứng. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến về tổ chức, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ.
Dưới góc nhìn công nghệ, ông Phan Bá Mạnh - CEO của Công ty Công nghệ AN VUI - đơn vị cung cấp giải pháp quản lý và điều hành vận tải cho biết: “Những năm qua, vận tải hành khách đang có nhiều biến động. Những doanh nghiệp chậm thay đổi về công nghệ sẽ mất dần thị phần, thậm chí là xóa sổ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi lớn về phương pháp cạnh tranh.
Đây là thời điểm “nhanh thắng chậm” chứ không còn là “mạnh thắng yếu”. Doanh nghiệp nào tiếp cận công nghệ nhanh và liên tục thay đổi, cải tiến dịch vụ thì doanh nghiệp đó sẽ chiếm được ưu thế. Bài học của các hãng taxi truyền thống thất thế ngay trên sân nhà là minh chứng lớn cho điều này”.
Hiện nay, trong lĩnh vực vận tải khách, các thương hiệu xe như Interbuslines, Mai Linh, xe khách Bắc Giang, Sao Việt, Hoàng Long, Hải Âu, Đất Cảng, Hà Lan... là những đơn vị đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành.
“Công nghệ hiện nay hỗ trợ tối đa giúp các doanh nghiệp quản lý toàn bộ quá trình hoạt động, giảm tối đa chi phí để có thể mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho nhà vận tải. Ứng dụng công nghệ là một trong những phương pháp quan trọng giúp nhà xe phát triển trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, ông Mạnh chia sẻ.
Tiện ích cho khách hàng là điều quyết định
Đặt vé online trở thành xu thế không thể bỏ qua |
Phân tích thực tế từ thành công của hãng xe Sao Việt, tuyến vận tải Hà Nội - Lào Cai, nhiều ý kiến cho rằng để có được thành công như ngày hôm nay, bản thân doanh nghiệp cũng đã thay đổi rất nhiều về cung cách phục vụ, từ việc đầu tư mới phương tiện, đa dạng hóa trong cách phục vụ. Họ có xe đưa đón khách tận nhà, chạy đúng giờ, dừng, đỗ đúng chỗ, không bắt trả khách bừa bãi, giữ thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng khi trao đổi với khách…, đặc biệt luôn hướng KHCN đến với khách hàng, cũng như trong công tác quản lý điều hành.
“Nhiều doanh nghiệp đã lập mô hình sàn giao dịch vận tải hàng hóa và hành khách để kết nối nhu cầu di chuyển, vận tải hàng hóa liên tỉnh nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Thời đại công nghệ số, nếu doanh nghiệp vận tải truyền thống không thay đổi sẽ khó tồn tại”, ông Thanh chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) chia sẻ, trong nỗ lực xây dựng thương hiệu bền vững, doanh nghiệp mạnh dạn tối ưu hóa điều hành và phục vụ bằng ứng dụng công nghệ. Việc phát triển phần mềm đặt vé qua App riêng sẽ giúp nhà xe xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn trong mắt khách hàng, tăng trưởng doanh số bán vé, chủ động quản lý mọi thông tin khách hàng của mình, từ đó quá trình phát triển an toàn hơn, không bị phụ thuộc vào các kênh bán vé online khác.
Ở một hướng đi khác, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho rằng, ngoài việc xây dựng phần mềm đặt vé thông minh, xác định tiêu chí an toàn trên mỗi hành trình làm kim chỉ nam cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp đã áp dụng những phần mềm quản lý vận tải hiện đại cũng như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ hệ thống xe vận hành.
Người đứng đầu của hai hãng vận tải lữ hành Thiên Thảo Nguyên và Interbuslines Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Công ty đã đổi mới toàn diện khi ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành. Để có được điều này, chúng tôi phải đầu tư khá lớn cả về tài chính lẫn con người. Hiện nay, hành khách có thể chủ động vào đặt chỗ, đặt giờ khởi hành, số ghế trống, số ghế đã đặt và tích hợp trên mọi hệ điều hành. Do đó, các cơ quan quản lý từ thuế, quản lý vận tải, CSGT đều có thể trích xuất dữ liệu, thậm chí là thu thuế điện tử trực tiếp trên hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi có 1.000 chuyến vận chuyển mỗi ngày thì dữ liệu tự động báo về cơ quan quản lý, do đó sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều khi được số hóa. Do đó, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là cơ quan quản lý cần đổi mới, sớm ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong quản lý. Nếu không tự đổi mới, không đầu tư bằng chất lượng phương tiện, dịch vụ và hiện nay bằng công nghệ thì chúng tôi không thể cạnh tranh và tồn tại ở thời buổi công nghệ như hiện nay”.
Hãng vận tải Mai Linh đang từng bước chuyển mình để phù hợp với xu thế hội nhập, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Với phương châm “Tiện ích cho khách hàng là điều quyết định tất cả”, vừa qua Mai Linh đã cho ra đời ứng dụng gọi xe công nghệ với tên gọi Mai Linh online trên cơ sở những nền tảng sẵn có của Mai Linh và trí tuệ, sáng tạo của các kỹ sư công nghệ Việt, phù hợp với con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Việc gọi và điều xe cùng phương thức thanh toán mới tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, chính xác, tin cậy được Mai Linh áp dụng đã góp phần mang đến những lợi ích thiết thực cho khách hàng trong việc giảm giá thành, giảm cước phí…
Tiếp nối những thành công việc triển khai ứng dụng Mai Linh Online trong điều và gọi xe taxi, để đem lại tiện ích cho khách hàng và phục vụ tốt hơn nữa với mọi loại hình vận chuyển trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, bên cạnh dịch vụ taxi, từ tháng 9/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh chính thức đưa vào hoạt động loại hình “Mai Linh bike” - Xe ôm Mai Linh. Với các đối tác (người lái xe), Mai Linh đưa ra chương trình tỷ lệ chia doanh thu 0% trong hai tháng đầu kể từ khi đăng ký trở thành đối tác của Mai Linh Bike. Các tháng tiếp theo, tỷ lệ chia doanh thu đối với đối tác là 15%, thấp hơn mức chiết khấu các hãng xe công nghệ khác đang áp dụng (từ 20 - 25%).
Ở khu vực phía Nam, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) - đơn vị sở hữu hệ thống xe khách và taxi có quy mô lớn nhất với hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm, hơn 200 phòng vé, trạm trung chuyển trên toàn hệ thống. Futabus Lines cũng mạnh tay chi tiền cho công nghệ để quản lý khối lượng xe khổng lồ trên bằng chứng là thực hiện thương vụ đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỷ đồng) vào ứng dụng gọi xe Vivu (sau đổi tên thành VATO) nhằm cạnh tranh với “gã gọi xe khổng lồ” Grab. Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang, doanh nghiệp mua lại ứng dụng Vivu và đổi tên thành VATO để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử.
Theo Tạp Chí Giao Thông