Ngày đăng: 15/01/2018
Tình hình khủng hoảng ở các doanh nghiệp vận tải đường bộ có vẻ đang lan rộng. Hơn một tháng nay, một số doanh nghiệp vận tải tại TPHCM liên tục đăng thông tin rao bán xe container mà không có người mua. Thậm chí, giá một xe container giảm xuống còn 500 triệu đồng mà cũng không ai mua. Trong tình hình kinh doanh vận tải ảm đạm, xe chỉ hoạt động 15-20 ngày/tháng, thế nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng các loại phí.
Hai loại phí mà doanh nghiệp phải chịu nặng nhất vẫn là phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT. Đối với phí bảo trì đường bộ, hiện tại, một xe container (cả đầu kéo) phải đóng phí bảo trì đường bộ tổng cộng là 17,16 triệu đồng/năm. Những doanh nghiệp có đến hàng trăm xe thì số tiền đóng phí lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong khi phần lớn, doanh nghiệp vận tải mua xe chủ yếu là bằng vốn vay ngân hàng nên việc đóng phí bảo trì đường bộ như trên là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp. Đã vậy, xe hết thời hạn đăng kiểm, tạm dừng hoạt động khi đi đăng kiểm lại cũng bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe không lăn bánh.
Không chỉ có phí bảo trì đường bộ, giờ đây phí cầu đường BOT với các trạm dày đặc khiến chi phí cầu đường còn cao hơn cả chi phí nhiên liệu cho quãng đường vận chuyển. Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, một xe container chở hàng từ các cảng ở quận 7, TPHCM đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu cho chuyến hàng chỉ khoảng 750.000 đồng cho 60 lít dầu thì phí cầu đường cho cả lượt đi và về là 800.000 đồng. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng điều này là nghịch lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, trong tình cảnh thiếu nguồn hàng, giá cước giảm mạnh do cạnh tranh trong khi vẫn phải “gánh” các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phải bán rẻ xe.
Không chỉ vận tải đường bộ gặp khủng hoảng, vận tải biển cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị trường vận tải biển chưa hồi phục trở lại, lượng hàng thiếu, giá cước thấp trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Từ đầu năm 2017 đến nay, danh sách doanh nghiệp vận tải biển báo lỗ tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do thua lỗ liên tục.
Hiện tại, nguồn thu vận tải từ đội tàu của nhiều doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí thiết yếu như tiền lương, bảo hiểm, nhiên liệu, vật tư, sửa chữa. Do vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải biển ngập trong nợ và cũng phải bán tàu để cắt lỗ.
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp vận tải Vượt qua khủng hoảng.
Khi nền kinh tế mà cung đã vượt quá cầu tức là lúc này doanh nghiệp đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Nếu không tăng chất lượng dịch vụ và hạ giá thành sản phẩm thì gần như các doanh nghiệp càng hoạt động thì sẽ càng lún sâu vào thất bại. Nhưng để hạ được giá thành và tăng chất lượng dịch vụ thì không hề đơn giản bởi nếu không hạ được giá thành thì sẽ không thể hạ giá bán. Những doanh nghiệp vận tải tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí quản lý từ đó tăng chất lượng dịch vụ để hạ giá sản phẩm sẽ là một trong những biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng.